Kinh doanh web phải hướng đến tính cá nhân hoá

Khởi sự năm 2005, đến nay quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV) đã bỏ vốn vào hơn 30 công ty đang vận hành website trong nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Hồng Trường, giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ IDGVV, cho biết, các dự án đến nay đã phát triển mạnh và đạt được mục tiêu xây dựng một hệ thống đầy đủ các dịch vụ trực tuyến hướng đến nhu cầu của người dùng internet và điện thoại di động Việt Nam, từ thông tin, giải trí, mạng xã hội đến dịch vụ thương mại, thanh toán, tài chính, giáo dục… Các mô hình dịch vụ phổ biến trên thế giới đã được xây dựng ở Việt Nam với các công ty có sự đầu tư bài bản và tư vấn chiến lược từ IDGVV. Nhiều công ty đang dẫn đầu trong các lĩnh vực thương mại điện tử, giải trí, quảng cáo, dịch vụ gia tăng trên di động… như Vatgia, VCCorp, Peacesoft, VNG, Diadiem, Goldsun Focus Media…
 Ông Nguyễn Hồng Trường, giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ IDG Ventures Vietnam

Ông Nguyễn Hồng Trường, giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ IDG Ventures Vietnam

Trong trường hợp các dự án web không thành công thì nguyên nhân thường là gì, thưa ông?
Nguyên nhân phổ biến là do việc định vị sản phẩm chưa đúng, định hướng thị trường, phát triển sản phẩm quá sớm hoặc quá muộn, chưa nắm bắt đúng thói quen tiêu dùng hay lựa chọn nhầm kênh phân phối… Trong các trường hợp như vậy thì phải xác định chính xác nguyên nhân đặc thù trong hoàn cảnh của mình để điều chỉnh kịp thời mô hình kinh doanh và tối ưu nguồn lực để bắt kịp với những thay đổi của thị trường. Môi trường internet vốn thay đổi rất nhanh với các sáng tạo mới xuất hiện thường xuyên hàng ngày, nên thách thức ngay cả với những công ty đã thành công. Việc liên tục điều chỉnh nhằm xây dựng sản phẩm bền vững và phát triển thị trường vẫn là yêu cầu hàng đầu để giữ vững vị trí và gia tăng thị phần.
Nhận xét của IDGVV về “hệ sinh thái” web Việt Nam hiện ra sao? So sánh với thời điểm IDGVV khởi sự ở Việt Nam thì có sự khác biệt nào?
Có một thời kỳ các trang web ra đời với tần suất cao và mô hình tương tự nhau, tạo cho cộng đồng cảm giác là các dịch vụ trực tuyến đang bùng nổ. Nhưng phần lớn các trang web ra đời thời kỳ này đã thoái trào 2 – 3 năm sau đó. Về chủ quan, do các công ty tiếp thu nhanh chóng các mô hình web thế giới nhưng chưa có đủ kinh nghiệm triển khai dịch vụ. Về khách quan, người dùng internet chưa có đủ trải nghiệm cần thiết để sử dụng dịch vụ, cộng thêm sự chưa sẵn sàng về cơ sở hạ tầng như thanh toán, phân phối, giao nhận… cũng như độ ổn định của đường truyền và các công cụ di động chưa cao.
Có thể khẳng định hiện nay mới là thời kỳ khởi sự của ngành internet Việt Nam. Các trang web vượt qua được giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2010 đang thực sự dẫn dắt thị trường. Năm 2011, “hệ sinh thái” này đã được định hình rõ nét với các dịch vụ trải dài trên nhiều lĩnh vực. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang sử dụng tương đối đầy đủ các dịch vụ trực tuyến như nhiều nước khác trên thế giới. Cơ sở hạ tầng cũng phát triển nhanh về thanh toán, đường truyền (cả internet và mobile) cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị di động thông minh đang tạo ra môi trường hoàn hảo hơn cho các dịch vụ web phát triển. Đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử đã có sự phát triển đột biến trong hai năm qua.
Theo ông, để lĩnh vực web phát triển và tạo ra những đột phá ở thị trường, cần thêm những yếu tố nào?
Thách thức lớn nhất đối với các công ty đã thành công là khả năng mở rộng thị trường và điều chỉnh sản phẩm thích ứng với thói quen sử dụng của người Việt Nam. Họ sẽ dễ dàng bị chững lại nếu không sáng tạo trên bệ phóng đã xây dựng được trong năm năm qua. Đối với các công ty mới gia nhập thị trường, nắm bắt được xu hướng phát triển mới về ngành và xây dựng được năng lực quản lý nhanh và hiệu quả là những yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi những công ty mới không những phải tìm ra được mô hình kinh doanh trực tuyến tốt, đón đầu xu hướng, mà còn phải cạnh tranh với các công ty đã thành công trong ngành vốn đang có sẵn nguồn lực và thị trường rộng hơn rất nhiều.
Trong việc mở rộng đầu tư, IDGVV sẽ chú trọng những mảng dịch vụ nào?
Các mô hình dịch vụ web ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang thay đổi rất nhanh với rất nhiều mô hình sáng tạo mới. Xu hướng web đang chuyển dịch từ dịch vụ trực tiếp (như thông tin trực tuyến, tìm kiếm trực tuyến, thương mại điện tử…) sang các dịch vụ có tính cá nhân hoá và tính địa phương cao, gắn kết với mạng xã hội và các thiết bị di động. IDGVV quan tâm mở rộng đầu tư vào các mô hình đã khẳng định được vị trí thị trường trong năm năm qua để phát triển các sáng tạo mới đón đầu xu hướng thị trường. Song song đó mở rộng vào các lĩnh vực liên quan đến viễn thông, truyền thông, công nghệ sinh học và công nghệ sạch.